Chiến tranh trên lãnh thổ Nhật Chiến_tranh_Thái_Bình_Dương

Iwo Jima

Bài chi tiết: Trận Iwo Jima
Thủy quân lục chiến Mỹ trên bãi biển Iwo Jima ngày 19 tháng 2 năm 1945

Theo phương án tác chiến của hội đồng tham mưu Hoa Kỳ, sau khi giành được PhilippinesIndonesia sẽ đổ bộ đánh chiếm Đài Loan. Tuy nhiên, sau những thắng lợi liên tiếp trên chiến trường Thái Bình Dương, họ quyết định thay đổi kế hoạch tấn công: bỏ qua Đài Loan và tiến đánh Iwo Jima là lãnh thổ cực nam Nhật Bản có tác động tâm lý lớn hơn.[186] Ngoài ra, trên đảo còn có 3 sân bay có thể được người Mỹ sử dụng cho các cuộc oanh kích vào lãnh thổ Nhật Bản bằng các máy bay ném bom hạng nặng B-29 hay tiếp nhận hạ cánh khẩn cấp những máy bay Mỹ đi ném bom trở về và còn nhằm triệt hạ các căn cứ radar Nhật trên đảo.

Thủy quân lục chiến Mỹ cắm cờ chiến thắng trên đỉnh Suribachi

Lực lượng Nhật phòng thủ tại Iwo Jima khoảng 22.000 quân do trung tướng Tadamichi Kuribayashi chỉ huy. Còn bên phía Hoa Kỳ, để tiến đánh Iwo Jima, họ đã huy động 3 sư đoàn thủy quân lục chiến và 192 xe tăng lội nước[187] Trung tướng Holland Smith được chọn làm tư lệnh hành quân các lực lượng thủy quân lục chiến. Toàn bộ lực lượng bộ binh, thủy quân lục chiến là 110.000 người được yểm trợ bởi 700 chiến hạm của hải quân Hoa Kỳ, trong đó có 28 hàng không mẫu hạm mang 1.172 máy bay.[188]

Sau một loạt đợt oanh kích dọn đường bằng hải pháo và máy bay trong ba ngày 16, 17 và 18 tháng 2, sáng ngày 19 tháng 2, lính Mỹ đổ bộ lên Iwo Jima[187] và nhanh chóng gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân trú phòng Nhật. Núi Suribachi, điểm cao nhất trên hòn đảo và cũng là một vị trí phòng thủ quan trọng, bị lính thủy đánh bộ Mỹ đánh chiếm vào ngày 23 tháng 2. Tuy nhiên, địa hình hiểm trợ cộng với sức chống trả ngoan cường của người Nhật khiến lính Mỹ tiến quân rất chậm. Phải đến ngày 16 tháng 3, hòn đảo mới chính thức được Hoa Kỳ tuyên bố an toàn và chiến sự chính thức chấm dứt vào ngày 26 tháng 3.

Trong số khoảng 22.000 quân trú phòng Nhật, chỉ còn khoảng 3.000 người sống sót và 216 người bị bắt làm tù binh. Một số còn lại ẩn náu trong các hang động, tiếp tục chiến đấu cho đến nhiều năm sau chiến tranh. Quân Mỹ cũng tổn thất nặng với 6.821 lính thủy đánh bộ chết và gần 20.000 người bị thương.[189] Iwo Jima là nơi đổ bộ duy nhất tại Thái Bình Dương mà thương vong của phía Mỹ vượt hơn cả Nhật.[190] Với giá đó, người Mỹ đã tiến bước đầu tiên tới ngưỡng cửa Nhật Bản.

Okinawa

Bài chi tiết: Trận Okinawa
Lính Mĩ sử dụng súng phun lửa tại Okinawa để tiêu diệt quân Nhật trong các hang động

Mục tiêu kế tiếp của người Mỹ sau Iwo JimaOkinawa, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Ryukyu, nằm về phía nam đảo Kyushu, dài gần 100 km. Đảo có một vị trí chiến lược quan trọng vì nằm trên ngã tư quốc tế ở Đông Á, giữa Trung Quốc, Đài LoanNhật Bản.[191] Trên đảo còn có thể xây dựng các sân bay lớn và quân cảng.

Lực lượng Nhật Bản trấn giữ Okinawa bao gồm Quân đoàn 32 và một số đơn vị hỗ trợ, kể cả dân quân, tổng cộng là hơn 100.000. Chỉ huy trưởng lực lượng phòng thủ trên đảo là trung tướng Mitsuru Ushijima, tham mưu trưởng là trung tướng Isamu Chō và trưởng phòng tác chiến là đại tá Hiromichi Yahara. Trong khi đó, lực lượng chủ yếu của Mỹ tham gia đánh chiếm Okinawa là Tập đoàn quân số 10 do trung tướng Simon Bolivar Buckner chỉ huy, được yểm trợ bởi 1.317 tàu chiến và 1.727 máy bay.[192]

Máy bay, chiến hạm hoa Kỳ bắt đầu ném bom, bắn phá Okinawa từ ngày 24 tháng 3 và ác liệt nhất là vào ngày 31. Ngày 1 tháng 4, quân Mỹ bắt đầu cuộc đổ bộ mà không sự kháng cự nào đáng kể. Trước tình thế đó, ngày 5 tháng 4, đô đốc Soemu Toyoda, tư lệnh Hạm đội Liên hợp ra lệnh cho phó đô đốc Seiichi Ito, tư lệnh Đệ nhị hạm đội tiến đánh hạm đội Đồng Minh đang thả neo tại Okinawa. Cuộc tổng tấn công này của hải quân được gọi là Cuộc hành quân Ten-Go. Đệ nhị hạm đội lúc này còn trong tay 10 chiến hạm, trong đó có thiết giáp hạm lớn nhất thế giới Yamato. Đây được xem là một nhiệm vụ tự sát nếu so sánh lực lượng hạm đội Nhật và Đồng Minh nhưng thực chất là một nhiệm vụ nhử địch giúp các máy bay Kamikaze tấn công hạm đội Hoa Kỳ.

Chiều ngày 6 tháng 4, hạm đội bắt đầu nhổ neo đi chiến đấu. Tuy nhiên đến trưa ngày 7 tháng 4, trong khoảng thời gian hơn 2 giờ đồng hồ, hạm đội Nhật đã bị các máy bay xuất phát từ các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ tấn công và kết quả là 6 chiến hạm bị đánh chìm, trong đó có Yamato. Với việc thiết giáp hạm Yamato bị đánh chìm, hải quân Hoàng gia Nhật xem như cũng chìm theo.[193]

Sau một tuần đổ bộ, quân Mỹ không gặp bất kì một sự kháng cự đáng kể nào. Tuy nhiên, khi tiến xuống phía nam, đến chân dãy núi Shuri, họ đã vấp phải lực lượng quân Nhật đang chờ đón họ trong những vị trí phòng thủ được chuẩn bị chu đáo. Từ ngày 14 tháng 4 đến ngày 3 tháng 5, nỗ lực đánh chiếm phòng tuyến Shuri của quân Mỹ đã thất bại. Tuy nhiên, sau cuộc phản công bất thành của quân Nhật, ngày 11 tháng 5, Tập đoàn quân số 10 bắt đầu lại cuộc đột phá phòng tuyến.

Trước những cuộc đột phá phòng tuyến của quân Mỹ cộng với quân lực ngày càng giảm sút, đến cuối tháng 5, tướng Ushijima đã phải ra lệnh cho rút dần quân ra khỏi phòng tuyến Shuri. Đêm ngày 26 tháng 5, bộ tư lệnh của tướng Ushijima cũng rời khỏi hang động dưới chân lâu đài Shuri.[194] Phòng tuyến Shuri xem như sụp đổ và đến ngày 31 tháng 5 thì thành phố Shuri bị quân Mỹ chiếm.

Tại Okinawa, các máy bay Kamikaze đã gây ra cho người Mỹ rất nhiều khó khăn nhưng vẫn không ngăn được bước tiến, dù chậm chạp của quân Mỹ tại Okinawa. Tuy nhiên, vào ngày 18 tháng 6, 4 ngày trước khi trận đánh kết thúc, tướng Simon Bolivar Buckner, tư lệnh quân Mỹ tại Okinawa bị quân Nhật phục kích bằng súng cối làm ông chết trước giờ thắng lợi cuối cùng. Ngày 22 tháng 6, tướng Ushijima, tướng Cho và 7 sĩ quan khác trong ban tham mưu của quân Nhật tại Okinawa đã tự sát. Ngày 2 tháng 7, chiến sự trên đảo Okinawa chấm dứt sau 3 tháng giao tranh.

Trong trận này, Nhật Bản bị loại khỏi vòng chiến hơn 100.000 quân (gồm hơn 77.000 tử trận, gần 10.000 bị bắt làm tù binh và gần 20.000 ra hàng sau khi chiến tranh kết thúc), chưa kể hơn 150.000 dân đảo Okinawa chết vì nhiều nguyên nhân. Phía Mỹ có 20.195 lính chết (bao gồm 12.520 chết tại trận, gần 7.800 chết tại bệnh viện vì bị thương hoặc bị bệnh), 55.162 người bị thương. Trận Okinawa là một chương đẫm máu nhất của chiến tranh Thái Bình Dương.[195]

Ném bom chiến lược trên lãnh thổ Nhật

Cảnh thành phố Tokyo trong biển lửa khi bị tấn công bằng bom lửa ngày 26 tháng 5 năm 1945.

Từ tháng 6 năm 1944, Hoa Kỳ đã tiến hành những cuộc ném bom lẻ tẻ trên lãnh thổ Nhật Bản. Mãi đến cuối năm 1944, khi tuyến phòng thủ của Nhật ngày càng bị đẩy lùi, các cuộc oanh tạc Nhật Bản mới được tiến hành với quy mô ngày càng lớn và tính chất ngày càng ác liệt. Đó không chỉ là một đòn tâm lý mà còn là bộ phận quan trọng trong chiến lược của Đồng Minh nhằm hủy diệt tiềm lực công nghiệp quân sự Nhật; tiêu diệt các căn cứ hải, lục, không quân; ngăn cản sự chi viện của Nhật đến các chiến trường xa và phong tỏa nước Nhật. Sau cùng, không quân, lục quân, hải quân Đồng Minh sẽ phối hợp tấn công buộc Nhật Bản đầu hàng.[196] Tuy nhiên, vào đầu năm 1945, nhiều nhà máy Nhật đã đóng cửa hoặc hoạt động dưới công suất vì thiếu nguyên liệu ngay trước cuộc ném bom của Đồng Minh.[197]

Từ tháng 12 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945, 19.500 tấn bom của Đồng Minh đã được thả xuống chiến trường Thái Bình Dương, phần lớn rơi vào lãnh thổ Nhật Bản.[198] Trong đó, vào đêm ngày 9 tháng 3, Tokyo bị oanh tạc bởi bom napan, khoảng 100.000 người được ước tính đã chết ngay lập tức trong biển lửa, hơn cả con số thương vong do bom gây ra ở Hiroshima hay Nagasaki.[199][200] Cuộc ném bom này là sáng kiến của thiếu tướng Curtis LeMay, tư lệnh sư đoàn oanh tạc cơ số 3, người cho rằng có thể buộc Nhật Bản đầu hàng mà không cần phải đổ bộ lên đất Nhật bằng cách tiến hành liên tục những cuộc ném bom hủy diệt trên quy mô lớn.[201] Ngay trong đêm 10 rạng ngày 11, Hoa Kỳ lại huy động hơn 300 máy bay ném bom Napalm xuống Nagoya là thành phố lớn thứ ba của nước Nhật. Tiếp sau đó, lần lượt là Osaka, Kobe, Yokohama đều bị ném bom dữ dội. Từ đầu tháng 6 đến 15-8-1945, Đồng minh đã dùng hết 135.000 tấn bom ở chiến trường Thái Bình Dương, hầu hết số đó rơi xuống chính quốc Nhật Bản, số bom ném trong hai tháng rưỡi cuối cùng của chiến tranh nhiều hơn gấp 7 lần số bom dùng trong 6 tháng trước đó.[202]

Hàng không mẫu hạm Bunker Hill của Hoa Kỳ bốc cháy do bị máy bay cảm tử Nhật lao trúng

Đến mùa hè, Nhật Bản đã hoàn toàn bị cô lập, hạm đội Nhật bị đánh chìm, không quân không tự lo liệu được, nền công nghiệp bị tê liệt.[203] Sau khi Hoa Kỳ chiếm được Okinawa, các cuộc oanh kích đã gia tăng cường độ rất nhiều, hơn cả sự tàn phá nước Đức trước đó. Từ tháng 3 đến tháng 6, Nhật mất 4.000 máy bay và từ ngày 4 tháng 7, không còn thấy máy bay Nhật nghênh chiến. Một số phi đội sống sót phải kéo sang Triều Tiên trú ẩn chờ ngày xuất kích khi Đồng minh đổ bộ lên Nhật Bản.

Phía Nhật Bản cũng đề ra chiến lược kháng cự mới, đó là các phi công Thần phong. Họ là các phi công cảm tử chuyên lái máy bay chở đầy thuốc nổ, bom đâm thẳng vào tàu địch. Đó là một nỗ lực cảm tử nhằm tăng tối đa độ chính xác và tổn thất cho địch so với việc ném bom thông thường. Trong 6 tháng đầu năm 1945, các máy bay Thần phong (máy bay cảm tử mang bom lao thẳng vào tàu chiến địch) của không quân Nhật cũng đã đánh đắm hoặc đánh trọng thương được 264 tàu chiến các loại của Mỹ, trong đó có 4 tàu sân bay lớn là các chiếc Ticonderoga, Saratoga, Intrepid và Bunker Hill. Trận bão ngày 5/6 cũng gây hư hại hư hại cho 5 tàu sân bay, 2 thiết giáp hạm, 1 tuần dương hạm và 13 hạm tàu khác của Mỹ, khiến Hạm đội 3 của Mỹ phải quay về căn cứ sửa chữa mất 1 tháng.[204]

Hải quân Nhật bước sang tháng 8 chỉ còn lại 2 hàng không mẫu hạm, 4 tuần dương hạm, 26 khu trục hạm, 16 tàu ngầm; nhiều chiếc trong số này cũng phải nằm tại cảng do không có đủ nhiên liệu hoặc đạn dược[205] Trong khi đó, lực lượng hải quân Đồng Minh do Hoa Kỳ làm nòng cốt dù chịu nhiều thiệt hại song vẫn có số lượng áp đảo. Tới tháng 8 năm 1945, hải quân Mỹ có trong tay 6.768 tàu các loại, gồm 28 tàu sân bay, 23 thiết giáp hạm, 71 tàu sân bay hộ tống, 72 tuần dương hạm, 232 tàu ngầm, 377 khu trục hạm cùng hàng ngàn tàu chở hàng, chở dầu, tàu đổ bộ các loại; phần lớn số này đã được huy động cho mặt trận Thái Bình Dương.[206]

Kết quả 7 tháng của năm 1945, không quân và hải quân Đồng minh đã đánh đắm hoặc làm trọng thương 2.700.000 tấn trọng tải tàu các loại, tiêu diệt 11.375 máy bay các loại của Nhật. Các tàu vận tải tới Trung Quốc, Đông Dương, Triều Tiên liên tục bị máy bay và tàu ngầm Đồng Minh đánh chìm. Chính quốc Nhật Bản hầu như bị cô lập với các vùng lãnh thổ trải dài từ Triều Tiên, Mãn Châu qua Trung Quốc đến tận Đông Dương, Mã Lai, Singapore.

Mọi lĩnh vực thuộc đời sống Nhật Bản, dân sự cũng như quân sự, bị ảnh hưởng nặng bởi tình trạng thiếu thốn nguyên liệu thô cơ bản. Sản xuất thép chỉ còn không tới 100.000 tấn mỗi tháng. Tương tự, sản lượng máy bay đã rớt xuống chỉ bằng 1/3 chỉ tiêu vì thiếu nhôm, bauxit, và sự khan hiếm than đã làm giảm mức sản xuất quân nhu xuống còn 50%. Đội tàu vận tải chỉ còn 1.000.000 tấn, và hệ thống vận tải toàn bộ đã bị tê liệt vì thiếu xăng dầu và nhân lực để chuyên chở hàng. Đến cuối năm 1945 sẽ không còn có lưu thông tàu hỏa giữa các thành phố, việc xây dựng tàu sắt sẽ ngưng lại và công nghiệp hóa học sẽ sụp đổ.

Vì nạn đói đang tới (lượng thu hoạch gạo tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1905), chính phủ Nhật soạn thảo một kế hoạch biến các loại hạt (hạt dẻ, hạt sồi...) thành lương thực. Toàn thể dân chúng, học sinh và người tản cư sẽ tham gia để thu nhặt đủ chỉ tiêu tối đa là năm triệu koku (giạ) quả hạt. Khẩu phần lương thực chính thức mỗi ngày – khi đạt được mục tiêu đó – cũng sẽ xuống thấp dưới 1.500 calo, chỉ bằng 2/3 tiêu chuẩn tối thiểu của người trưởng thành. Những cư dân thành phố chịu nhiều khó khăn nhất, và hàng triệu người di tản về miền quê mỗi chủ nhật để đổi chác kimono, nữ trang, đồ đạc, bất cứ thứ gì quí giá của họ để lấy khoai lang, rau cải và trái cây.

68 thành phố của Nhật Bản đã bị không kích và tất cả đều bị hủy diệt một phần hoặc toàn bộ. Ước tính khoảng 1,7 triệu người đã mất nhà cửa, 300.000 người chết và 750.000 người bị thương. 66 trong tổng số những vụ tấn công đó được thực hiện bằng bom thông thường, 2 vụ bằng bom nguyên tử. Sự hủy diệt từ những vụ tấn công thông thường là rất lớn. Hết đêm này qua đêm khác, suốt cả mùa hè, các thành phố đều chìm trong khói lửa.

Nhưng Nhật Bản vẫn không có ý định đầu hàng. Hai ngày sau khi Tokyo bị không kích, cựu Ngoại trưởng Shidehara Kijuro đã bày tỏ quan điểm mà nhiều thành viên cấp cao trong chính phủ Nhật Bản chia sẻ, rằng “người dân sẽ quen dần với việc ngày nào cũng phải hứng chịu bom. Dần dần tinh thần đoàn kết và quyết tâm của họ sẽ mạnh mẽ hơn nữa”. Trong một lá thư gửi một người bạn ông viết rằng quan trọng là người dân phải cam chịu khổ cực vì “kể cả nếu hàng trăm ngàn người không trực tiếp tham chiến bị giết, bị thương, hoặc chết đói, kể cả nếu hàng triệu tòa nhà bị phá nát hay thiêu hủy”, thì vẫn cần phải cam chịu để có thêm thời gian đàm phán sao cho Nhật Bản có thể kết thúc chiến tranh với những điều khoản có lợi[207]

Những kháng cự cuối cùng của Nhật Bản

Như vậy, đến đầu tháng 8 năm 1945, hải quân và không quân Nhật - lực lượng chủ yếu đem đến chiến thắng liên tiếp cho họ vào thời kì đầu chiến tranh Thái Bình Dương - đã bị loại khỏi vòng chiến, tiềm lực công nghiệp chiến tranh của Nhật Bản bị tàn phá nặng nề và chính quốc bị bao vây, phong tỏa gay gắt. Tokyo giờ chỉ còn trông cậy vào lục quân trên đất liền châu Á và tinh thần hi sinh quên mình của 100 triệu thần dân của Thiên hoàng.[208]

Do không còn nhiều vũ khí để chống cự lại Đồng Minh, các tướng lĩnh Nhật Bản quyết định sử dụng thứ "vũ khí" duy nhất mà họ vẫn còn ưu thế hơn đối thủ, đó là tinh thần võ sĩ đạo, sẵn sàng quyết tử vì Thiên Hoàng của người Nhật. Thực tế chiến sự đầu năm 1945 cho thấy máy bay cảm tử Kamikaze là một vũ khí hiệu quả, tuy phải hy sinh hơn 3.900 phi công kèm máy bay nhưng đã gây thiệt hại nặng cho hải quân địch. Các tướng lĩnh Nhật Bản quyết định mở rộng quy mô chiến thuật cảm tử này, họ dự tính nếu hàng trăm nghìn người Nhật hy sinh cảm tử, mang bom cùng chết với địch thì rất có thể quân Mỹ-Anh sẽ không chịu nổi thương vong quá nặng, phải bỏ cuộc và đồng ý đàm phán hòa bình với điều kiện có lợi cho Nhật.

Phe quân sự Nhật đã phác thảo kế hoạch hành quân "Ketsu-Go" (Chiến dịch "Quyết định"), có thể xem như kế hoạch tử chiến tới cùng của toàn dân Nhật. Hơn 10.000 máy bay được tập trung, 2/3 được dùng để làm máy bay cảm tử đối đầu với quân Mĩ đổ bộ ở các đảo phía nam (Kyushu, Shikoku). Họ chỉ cần bay lên một chuyến, mang bom theo, lao vào hạm đội Hoa Kỳ. Thuốc nổ tối đa nhưng xăng chỉ đủ cho một chuyến bay đi, không trở lại. Một phần còn lại đón đánh Mĩ ở vùng phụ cận Tokyo. Đến tháng 7/1945, Nhật vẫn còn trong tay 12.725 máy bay các loại (ngoài ra, mỗi tháng lại chế tạo mới được khoảng 1.500 chiếc), gần như tất cả sẽ được dùng như máy bay cảm tử[209]

Máy bay cảm tử Yokosuka MXY7 OhkaTàu ngầm cảm tử KoryuTàu ngầm cảm tử Kairyu

Ngoài các phi cơ chiến đấu và máy bay ném bom được chuyển thành kamikaze, từ tháng 3 năm 1945, Nhật chế tạo loại máy bay Yokosuka MXY7 Ohka, một loại hỏa tiễn có người lái chuyên dùng để tấn công cảm tử. Ohka có thể bay xa 35–40 km, vận tốc đạt 804 km/h khi bay và 1.040 km/h khi bổ nhào, nhanh hơn hầu hết các máy bay tiêm kích thời đó nên máy bay Mỹ khá khó để đánh chặn, nó mang theo đầu đạn nặng tới 800 - 1.200 kg, đủ để đánh chìm tàu chiến cỡ lớn. Đến tháng 8/1945, Nhật Bản đã chế tạo được 850 chiếc Ohka và dự kiến sẽ chế tạo tiếp hàng trăm chiếc mỗi tháng. Một loại máy bay chuyên dành cho tấn công cảm tử khác là Nakajima Ki-115 Tsurugi, chỉ gồm một động cơ đẩy đơn giản lắp trên khung gỗ, giá thành rẻ và dễ sản xuất, trong khi vẫn mang được 1 trái bom 800 kg đủ để đánh chìm tàu chiến cỡ lớn. Trong năm 1945, Nhật bắt đầu tích trữ hàng ngàn chiếc Tsurugi, Ohka để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của Đồng Minh. Nhật có kế hoạch chế tạo tới 8.000 chiếc Ki-115 mỗi tháng tại hàng trăm nhà máy trên cả nước[210] Mỗi đợt xuất kích cảm tử của 300-400 chiếc máy bay tấn công cùng lúc được Nhật dự tính sẽ gây ra tàn phá nặng nề cho hạm đội Mỹ-Anh[209]. Bộ chỉ huy Nhật dự tính rằng: cứ 6 chiếc máy bay cảm tử thì sẽ có 1 chiếc đánh trúng mục tiêu, như vậy nếu huy động 12.000 chiếc máy bay cảm tử thì sẽ đánh chìm hoặc đánh trọng thương khoảng 2.000 tàu của Mỹ-Anh, tức sẽ loại bỏ được 1/3 số tàu của lực lượng hải quân Mỹ-Anh.

Ngoài máy bay cảm tử Kamikaze, còn có nhiều vũ khí cảm tử khác trên biển. Tiêu biểu là tàu ngầm bỏ túi kiểu Koryu (dài 26 mét, nặng 60 tấn) do 5 người điều khiển, có thể chạy dưới nước 40 phút ở vận tốc 16 hải lý hoặc 50 giờ ở vận tốc 2,5 hải lý, mang theo 2 ngư lôi 457mm hoặc chở đầy thuốc nổ lao vào tàu địch. Mỗi tháng Nhật dự kiến sản xuất được 180 chiếc Koryu[211]. Nhật còn định chế tạo tàu ngầm mini cảm tử Kairyu (dài 17 mét, nặng 19 tấn, có thể lặn 70 km ở vận tốc 5,5 km/h, có hai người điều khiển, lắp 2 ngư lôi 457mm hoặc chở 600 kg thuốc nổ). Hải quân Nhật dự kiến ​​sẽ chế tạo được 540 chiếc Koryu và khoảng 740 chiếc Kairyu vào mùa thu năm 1945.[209] Ngoài ra còn có 650 "ngư lôi sống" Kaiten, mỗi ngư lôi phóng từ tàu ngầm ra có một người lái đâm vào tàu địch. Số "ngư lôi sống" dự kiến sẽ tăng lên 4.000. Các vũ khí cảm tử này chủ yếu dùng để tấn công tàu chở quân Mỹ đổ bộ.[212] Trên mặt nước, Nhật chế tạo các xuồng cao tốc tấn công tự sát được gọi là "Shinyo", mỗi chiếc mang được 200 kg thuốc nổ chạy với tốc độ 30 hải lý/giờ, sẽ tấn công tàu đổ bộ của Mỹ từ các nơi cất giấu dọc theo bờ biển. Tổng cộng đã có 3.300 chiếc canô tự sát loại này được chế tạo.[209] Cuối cùng, ngay tại bờ biển sẽ có những thợ lặn tự sát được gọi là "Fukuryu", chuyên phục kích tàu địch ở khoảng 10 mét dưới nước. Mặc bộ đồ lặn và bình oxy, mỗi thợ lặn Fukuryu mang theo một lượng thuốc nổ khoảng 15 kg, được gắn trên một cây gậy có cầu chì tiếp xúc, anh ta sẽ lặn tới đáy tàu đổ bộ của địch và kích nổ. Hải quân Nhật hy vọng sẽ có 4.000 Fukuryu sẽ được đào tạo và trang bị vào tháng 10/1945[209].

Về tác chiến trên bộ, Nhật sẽ đưa ra tổng số 53 sư đoàn và 25 lữ đoàn độc lập, tổng cộng 2,35 triệu quân để chống Mĩ. Khoảng 1,25 triệu lính thuộc Hải quân do không còn tàu chiến nên cũng sẽ tác chiến trên đất liền cùng với lục quân. Ngoài ra còn động viên toàn thể nhân dân, nam từ 15 đến 60 tuổi, nữ từ 17 đến 45 tuổi, tổng cộng 28 triệu người vũ trang bằng mọi vũ khí có được, từ súng trường cho đến cung tên, gươm giáo. Bên cạnh đó, còn 4 triệu công nhân quốc phòng kết hợp thành các tiểu đoàn tác chiến độc lập, vừa sản xuất vừa tác chiến.

Thêm vào đó các lực lượng vũ trang Nhật còn 3 triệu quân đóng ở ngoài nước. Ngoài những địa bàn xa xôi như ở New Guinea, quần đảo Indonesia, Đông Dương, thì quân Nhật tập trung cao độ ở Đông bộ Trung Quốc, nhất là ở Mãn ChâuTriều Tiên. Xung kích của lục quân Nhật Bản là đạo quân Quan Đông, làm nhiệm vụ canh giữ kho quân giới của Thiên hoàng là 900.000 km2 xứ Mãn Châu, quân số lên đến gần một triệu người. Theo kế hoạch hành quân vào mùa hè 1945, thì khi Nhật Bản bị sụp đổ, đánh không lại, sẽ rút quân về Mãn Châu kháng cự đến cùng.

Chính phủ Nhật quyết định sẽ chiến đấu đến người cuối cùng và tin rằng quân Mỹ sẽ phải bỏ cuộc. Nếu thương vong khi tấn công vào đất Nhật trở nên quá nặng nề, dư luận Mỹ sẽ phản đối và buộc chính phủ Mỹ phải đàm phán, trên cơ sở đó Nhật có thể đưa ra những điều kiện đình chiến có lợi cho họ. Đại tướng Suzuki khi nhậm chức Thủ tướng đầu tháng 4/1945 tuyên bố: "Nếu tôi hy sinh, xin chư vị băng qua xác tôi mà tiến lên!". Bộ trưởng Lục quân Anami ra "Thông cáo gửi tướng sĩ toàn quân" kêu gọi: "Thề quyết bảo vệ vùng đất thiêng này, chiến đấu đến cùng, dù cho núi sông cây cỏ tan tành, hãy tin là từ chỗ chết sẽ tìm được đường sống".

Tháng 7/1945, Bộ chỉ huy Nhật ra kế hoạch[209]:

Chúng ta sẽ chuẩn bị 10.000 máy bay để chống lại cuộc đổ bộ của đối phương. Chúng ta sẽ huy động tất cả các máy bay có thể, tập luyện "tấn công đặc biệt" (Kamikaze). Chúng ta sẽ tiêu diệt 1/3 tiềm năng chiến tranh của đối phương với lực lượng không quân này ở trên biển. 1/3 khác cũng sẽ bị tiêu diệt trên biển bởi tàu chiến của chúng ta, các ngư lôi cảm tử và các vũ khí đặc biệt khác. Hơn nữa, khi kẻ thù thực sự đổ bộ, nếu chúng ta sẵn sàng hy sinh một triệu người, chúng ta sẽ có thể gây ra một số lượng thương vong tương đương cho địch. Nếu đối phương mất một triệu lính, dư luận ở Mỹ sẽ muốn hòa bình, và Nhật Bản sẽ có thể đạt được hòa bình với các điều kiện tương đối thuận lợi

Về phía Đồng Minh, Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ trình lên Tổng thống Truman kế hoạch tấn công Nhật Bản, gọi là Chiến dịch Downfall. Kế hoạch chia làm 2 bước, gồm chiến dịch Olympicchiến dịch Coronet (Vòng hoa), đều mở màn bằng đợt ném bom rải thảm dài ngày của máy bay lục quân cất cánh từ Trung Quốc và Triều Tiên.

  • Chiến dịch Olympic dự kiến bắt đầu ngày 1/11, sử dụng 11 sư đoàn lục quân và 3 sư đoàn lính thủy đánh bộ, dùng tàu chở quân dưới sự yểm hộ của hải quân và không quân đổ bộ lên chiếm vùng cực nam đảo Kyushu (đảo nhỏ thứ 3, chiếm 11% diện tích nước Nhật), xây dựng nhiều sân bay dã chiến ở đây để máy bay xuất kích, ném bom quy mô lớn phía bắc Kyushu và đảo Honshu (đảo lớn nhất Nhật), gây sức ép buộc Nhật đầu hàng.
  • Sau chiến dịch Olympic, nếu Nhật vẫn không hàng thì chuyển sang chiến dịch Coronet, tấn công đảo Honshu để kết thúc chiến tranh. Chiến dịch dự kiến bắt đầu vào ngày 1/3/1946, ngày hoàn thành phụ thuộc vào tình hình diễn biến thực tế. Chiến dịch Coronet sẽ sử dụng 12 sư đoàn bộ binh và 3 sư đoàn lính thủy đánh bộ.

Mỹ dự kiến chiến dịch Olympic họ sẽ chịu thương vong 456 nghìn người, trong đó chết 109 nghìn; chiến dịch Coronet thương vong 1,2 triệu người, số chết là 267 nghìn. Đây chỉ là dự kiến tối thiểu, vì chưa lường hết khả năng của cách đánh tự sát của quân Nhật, chưa đánh giá được khả năng chiến đấu của gần 100 triệu thường dân Nhật.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Thái_Bình_Dương http://ajrp.awm.gov.au/AJRP/AJRP2.nsf/437f72f8ac2c... http://wwii.ca/index.php?page=Page&action=showpage... http://www.china.org.cn/english/features/celebrati... http://www.avalanchepress.com/MexicanAirForce.php http://forum.axishistory.com/viewtopic.php?f=65&t=... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/137119/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/247568/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/310634/k... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/381684/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/456391/B...